Phát huy tính liên kết vùng trong các quyết sách phát triển nguồn nhân lực

Bài 1: Chưa thực sự đem lại chuyển biến trên bình diện vùng

- Thứ Hai, 13/03/2023, 06:57 - Chia sẻ

Theo Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương, mặc dù từng địa phương đã ban hành nhiều chế độ, chính sách đặc thù, tuy nhiên ở góc độ vùng thì chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của từng địa phương chưa thực sự đem lại chuyển biến trên bình diện cả vùng Đông Nam Bộ. Ở góc độ từng tỉnh cũng chưa có chính sách đột phá tạo nguồn lực về con người cho lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục nghề nghiệp; mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng lĩnh vực giáo dục và y tế vẫn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhiều chế độ, chính sách đặc thù

Những năm qua, bên cạnh tốc độ phát triển kinh tế nhanh, nhiều vấn đề cũng đặt ra cho tỉnh Bình Dương như: sự quá tải của hệ thống giáo dục, y tế công lập; áp lực công việc lên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các khu vực đông dân; các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, quốc phòng tại địa phương. Để góp phần giải quyết các vấn đề đó, Bình Dương xác định cần quan tâm và đầu tư vào con người. Theo đó, để tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, những điểm “nghẽn, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết quy định các chế độ, chính sách đặc thù. Đó là, nhóm các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức các cấp, nhất là đội ngũ cấp cơ sở; nhóm các chính sách hỗ trợ cho nhân lực ngành giáo dục và y tế; nhóm các chính sách nguồn nhân lực cho khối lực lượng vũ trang.

Việc ban hành các chế độ, chính sách đối với nguồn nhân lực xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm kịp thời giải quyết những nhu cầu bức thiết, đặc thù của địa phương, tạo nguồn lực bảo đảm cho hoạt động và định hướng phát triển của tỉnh. Cụ thể là thu hút, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ bồi dưỡng đối với các lĩnh vực tỉnh đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao như: y tế, giáo dục, thu hút thạc sĩ, tiến sĩ vào làm việc tại Trường Đại học Thủ Dầu Một, các cơ quan nhà nước… Ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, cán bộ lực lượng vũ trang: do quá trình sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế hoặc do ảnh hưởng của các chủ trương lớn liên quan đến nâng cao chất lượng đội ngũ, trong một thời gian ngắn có các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, mất thu nhập bởi chính sách chung. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ, vừa giữ chân cán bộ công chức, góp phần quan trọng bảo đảm tiến độ, chất lượng công việc.

Giải quyết các vấn đề đặc thù về an ninh trật tự, bảo đảm quốc phòng của địa phương: quá trình phát triển của tỉnh dẫn đến nhiều vấn đề tiềm ẩn rủi ro về an ninh trật tự, nhất là vấn đề bảo đảm an toàn giao thông, an ninh quốc gia. Trong thời gian chờ đợi hoàn thiện các giải pháp công trình, các giải pháp về biên chế… tỉnh Bình Dương đã xây dựng các mô hình đặc thù, đồng thời với ban hành các chế độ, chính sách đặc thù hỗ trợ riêng cho các mô hình này như: chế độ, chính sách cho Đội cơ động xử lý giao thông, Đại đội Dân quân thường trực cấp tỉnh…

Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho giáo dục, y tế

Trên cơ sở tham khảo kết quả hoạt động của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực, Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương nhận thấy, HĐND các tỉnh, thành phố đều ban hành các nghị quyết có nội dung tương tự. Các nghị quyết đặc thù góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Bên cạnh những kết quả, hiệu ứng tích cực từ các nghị quyết, qua xem xét các nghị quyết do HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ ban hành, Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương cũng nhận thấy một số vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, cải thiện nhằm phát huy hơn nữa tính liên kết vùng trong việc ban hành các quyết sách về phát triển nguồn nhân lực.

Cụ thể, các tỉnh, thành phố đều ban hành chính sách thu hút, hỗ trợ nguồn nhân lực, nhưng nội dung, mức hỗ trợ khác nhau. Trong đó, riêng đối với chính sách thu hút, mỗi địa phương đều cố gắng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc tại địa phương mình. Như vậy, ở góc độ vùng thì chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của từng địa phương chưa thực sự đem lại chuyển biến trên bình diện cả vùng Đông Nam Bộ. 

Bên cạnh đó, theo Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vùng Đông Nam Bộ phấn đấu đến năm 2050 là khu vực “Trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á”. Tuy nhiên, không chỉ ở góc độ vùng, mà ở góc độ từng tỉnh cũng chưa có chính sách đột phá tạo nguồn lực về con người cho lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục nghề nghiệp.

Trên thực tế, mặc dù đã được quan tâm, đầu tư, nhưng lĩnh vực giáo dục và y tế vẫn thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao. Nhất là đối với lĩnh vực y tế, sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, một số lượng lớn công chức, viên chức người lao động làm việc trong lĩnh vực y tế công đã bỏ việc, hoặc chuyển sang lĩnh vực tư. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do mức lương, phụ cấp không bảo đảm cuộc sống. Việc tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người lao động làm việc trong lĩnh vực y tế thấp nhưng lại chịu nhiều áp lực.

NGUYỄN NHẬT